Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

[Kinh tế] -Luật DN sửa đổi: Cơ hội kinh doanh còn xa lắm!

Mỗi lần sửa đổi Luật DN là dư luận lại có cơ hội đưa ra áp lực kỳ vọng sẽ có đột phá mới bởi nó điều chỉnh tổ chức và hoạt động những “tế bào” của nền kinh tế. Và Luật DN sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tới để thông qua cũng không là một ngoại lệ.

Ngay trong 1 ngày vào cuối tuần qua, tại Hà Nội cũng có 2 cuộc hội thảo về vấn đề này do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức. Và tại địa điểm nào cũng chật kín phòng với không ít ý kiến đa chiều nhưng khá tập trung cho định hướng: tạo môi trường minh bạch và công bằng cho mọi thành phần tham gia kiến quốc.



Người nuôi gián đất lao đao vì sự không rõ ràng từ những quy định của Luật DN

Ai cũng có quyền thành lập DN?

Những điểm mới với mục tiêu tạo sự thay đổi lớn của dự thảo Luật DN sửa đổi đang được đón đợi. Nhất là đã sau gần 3 năm nền kinh tế trì trệ, tuy có được cải thiện nhưng vẫn loanh quanh trong vùng đáy thể hiện rõ hiệu quả của chính sách kinh tế “trọng cầu” đã tiệm cận giới hạn và ngày càng có nhiều ý kiến khuyến nghị chính sách nên hướng tới “phía cung” - tức tạo môi trường thuận lợi tối ưu cho DN.

Thay đổi đầu tiên của dự thảo Luật DN sửa đổi, cũng là thay đổi tạo bước ngoặt lớn trong hoạt động của DN là chuyển từ DN tự do kinh doanh những gì ghi trong Giấy đăng ký sang DN được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, chỉ hạn chế những ngành hoặc lĩnh vực mà pháp luật quy định phải có điều kiện kèm theo quyền kinh doanh. Theo đó, Giấy chứng nhận sẽ không ghi ngành nghề kinh doanh cụ thể mà chỉ ghi đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy sẽ giảm rủi ro, giảm chi phí, tăng cơ hội và giúp khai thác hết tiềm năng của DN.

Tuy nhiên, trước những sửa đổi có phần “thoáng” hơn trong dự thảo Luật lần này lại cũng có những ý kiến e ngại về khả năng quản lý. Ví như, Luật quy định người dân được làm bất kỳ những gì pháp luật không cấm. Thế nhưng thực tế, những ngành nghề nào bị cấm kinh doanh hoặc sản xuất và những lĩnh vực kinh doanh nào cần phải có điều kiện thì vẫn còn lùng bùng, rắc rối khiến Tổ soạn thảo vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Và có đại biểu Quốc hội đã tỏ ra e ngại khi nói rằng: “hóa ra DN muốn làm gì cũng được” hay “như thế thì người đạp xích lô hay ông nông dân đang đi cày cũng có thể đứng ra để thành lập DN”?...

Trước những băn khoăn trên, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM có ngay câu trả lời, dù mang tính ước lệ, mang ý nghĩa tinh thần của Luật: “Người đạp xích lô, người nông dân mà thành lập được DN thì cũng tốt chứ sao!”.

Rất đồng tình với mục tiêu này, ông Vũ Văn Ngọc - Đại học Kinh tế quốc dân, nhắc lại thời kỳ trước khi mới có Luật DN với những đột phá cởi trói đã khiến cả công chức, viên chức cũng tìm cách thành lập DN riêng. Và ông ủng hộ Luật DN sửa đổi phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng để tạo niềm tin cho người dân, thay vì mang tiền đi gửi tiết kiệm hay đầu tư theo “phong trào” mà bỏ tiền góp vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

DN được làm những gì?

“Nếu không quy định cụ thể, rõ ràng những ngành nghề nào, lĩnh vực nào thuộc đối tượng kinh doanh có điều kiện hoặc bị cấm kinh doanh sẽ có nhiều DN vô tình vi phạm pháp luật và sẽ bị thiệt hại về tài chính, thời gian, thậm chí nảy sinh kiện tụng giữa DN với cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Ngọc có ý kiến và nêu điển hình mới đây là trường hợp DN xin phép cơ quan quản lý Nhà nước nuôi gián đất. Lúc đầu được phép, sau lại bảo sai, khiến DN thiệt hại nặng nề, cơ quan Nhà nước cũng gặp rắc rối.

Nhiều ý kiến khác cũng tỏ ý băn khoăn khi cho rằng quy định về những ngành; nghề kinh doanh cần phải có điều kiện còn lằng nhằng, rắc rối, quá phức tạp, khiến ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước còn hiểu không rõ. Cần phải cải cách từ chính khâu này.

Luôn là người mạnh mẽ với cải cách, nhưng dường như lần này ông Cung cũng lúng túng. Ông thừa nhận những quy định cấm hiện nay không có phương pháp luận rõ ràng để trả lời câu hỏi: Tại sao lại cấm? Cấm nhằm mục đích gì? Cấm trong phạm vi và không gian nào? Ông đã phải viện đến hình ảnh một cột điện nhằng nhịt, lùng bùng các thứ dây để minh họa cho những quy định về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Ông Cung cũng đưa ra một tập tài liệu liệt kê và bình luận: “chưa hết đâu và không biết đâu là hết” về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện nặng gần 2 kg. Theo ông, đã 10 năm nay những quy định kiểu này chỉ có tăng lên về số lượng mà còn tăng lên cả về mức độ. Ông đã đưa ra một loạt từ “không” nếu xét trên tính định lượng của chính sách: không cụ thể, không rõ ràng, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được, không hiệu quả và… không hiệu lực.

“Mục tiêu cuối cùng của Luật DN sửa đổi là nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với DN, nhưng những người làm chính sách có vẻ chưa tin dân, sợ dân gian nên đã đưa ra một loạt các quy định để kiểm soát ngay từ đầu. Song, với cung cách, tư duy đa phần như vậy của các bộ hiện nay thì xem ra, “cơ hội kinh doanh vẫn còn xa lắm”, ông Cung nói.

Tri Nhân


0 nhận xét:

Đăng nhận xét