Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

[Giáo dục ] -Liên tiếp các trường đại học tại TP.HCM bất ổn: Tìm “lỗ hổng” của giáo dục đại học

Các lùm xùm tại ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH quốc tế Hồng Bàng tạm lắng chưa lâu, đến lượt ĐH Hoa Sen vướng bất ổn "cổ đông, cổ tức” và nay là ĐH Mở TP.HCM bị phanh phui nhiều sai phạm về tài chính trong quá trình tuyển sinh, đào tạo liên thông,…



Trường Đại học Hoa Sen nảy sinh nhiều bất cập

Năm nào cũng lùm xùm
Năm học 2008 – 2009, Đại Đoàn Kết là một trong số ít báo có bài phản ánh đầu tiên khi xảy ra tiêu cực trong tuyển sinh tại ĐH Hồng Bàng, TP.HCM. Vào thời điểm đó, nhiều sinh viên ĐH trường này đã phản ánh tình trạng trường ra thông báo tăng học phí hàng loạt các ngành học, khiến sinh viên hoàn toàn bất ngờ. Lý do được trường giải thích là nhằm tăng tiền lương cho giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội khác,…Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên Đại Đoàn Kết vào thời điểm đó thì việc tăng học phí của trường đang được thực hiện đồng thời với hoạt động "dồn nguồn vốn” cho xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng của trường này (!?). Sau đó, với liên tiếp các cơ quan báo chí vào cuộc phanh phui, ĐH Hồng Bàng đã phải ra quyết định hủy bỏ kế hoạch tăng học phí nêu trên.
Đến năm 2011, tiếp tục xảy ra vụ lùm xùm tại ĐH Hùng Vương TP.HCM liên quan đến tiêu cực trong bộ máy HĐQT và Ban Giám hiệu của trường. Trước nhiều bất cập được dư luận vào cuộc, UBND TP.Hồ Chí Minh đã phải thành lập Ban Chỉ đạo đặc trách, trong đó có cả Phó GĐ Sở Công an TP tham gia. Dù vậy, ngay cả Giám đốc Sở Nội vụ TP cùng các thành viên của Đoàn công tác liên ngành khi đến làm việc tại trường này cũng đã bị khống chế, giam lỏng gây bất ngờ dư luận cả nước. Cuối cùng UBND TP đã phải vào cuộc, đồng thời cấp có thẩm quyền đã ra các quyết định buộc đình chỉ chức Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng trường này. Cũng trong năm này, TP.HCM cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT ban hành quyết định ngừng tuyển sinh đối với ĐH Hùng Vương. Vụ việc kéo dài đến đầu năm 2014, khi ông Lê Văn Lý, Hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương không đồng ý với quyết định của UBND TP (số 3163/QĐ-UBND) buộc ông thôi chức, đã khởi kiện Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân ra TAND TP.HCM. Cho đến tháng 7/2014 vụ việc mới tạm lắng khi cả cấp phúc thẩm y án sơ thẩm bác đơn kiện của ông Hiệu trưởng này.
Vụ việc tại ĐH Hùng Vương cũng chỉ tạm lắng chưa được 1 tháng thì ngay đầu tháng 8 lại xảy ra bất ổn tại ĐH Hoa Sen. Lộn xộn xảy ra khi nhóm cổ đông nắm trên 30% cổ phần xảy ra "xung đột” lợi ích và bất đồng quan điểm với nhóm các thành viên HĐQT và hiệu trưởng bị bãi miễn do nhóm cổ đông trên triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường. Vụ việc như thêm "giọt nước làm tràn ly” đối với thực trạng bất cập tại các trường ĐH ngoài công lập trên địa bàn. Một lần nữa, câu chuyện về "quan hệ tay ba” giữa người đầu tư mở trường với người quản lý trường và người dạy học. Suy cho cùng” trăm dâu đổ đầu tằm” khi người học, sinh viên, học viên là người gánh thiệt hại cuối cùng.
Ngay sau vụ việc tại ĐH Hoa Sen, Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc, tổ chức thanh tra toàn diện tại ĐH Mở TP. HCM và phát hiện nhiều bất cấp tại trường này. Trong đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì ĐH Mở TP đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với số lượng Bộ GD-ĐT quy định trong tuyển sinh, đào tạo liên thông cao đẳng lên đại học. Cụ thể, năm 2010 trường tuyển sinh vượt 1.082 sinh viên (33,3%), đến 2011 vượt 1.026 sinh viên (40,2%). Ngoài ra, từ 2011 – 2012, nhiều sinh viên trúng tuyển chưa được đảm bảo điều kiện tham gia dự thi theo quyết định của Bộ GD-ĐT. Ngoài công tác tuyển sinh, Thanh tra Chính phủ cũng bóc tách việc trường này tổ chức đào tạo, quản lý cấp bằng đại học chính quy không đúng với quy định của Bộ; thu học phí, lệ phí vượt mức quy định.
Gỡ rối từ đâu?
Bất lực trước các lùm xùm liên quan đến giáo dục ĐH, UBND TP.HCM mới đây đã phải ký một văn bản đề xuất hi hữu trong lịch sử ngành giáo dục khi đề nghị được không quản lý các trường ĐH trên địa bàn. Theo thông báo kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, các Sở, ngành chức năng được giao tham mưu thống nhất nội dung đề xuất trình UBND TP báo cáo xin ý kiến thường trực Thành ủy về đề xuất Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 115/2010 về quản lý nhà nước đối với giáo dục, theo hướng TP.HCM không quản lý nhà nước đối với các trường ĐH trên địa bàn mà giao trách nhiệm này trực tiếp thuộc Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, dự kiến vào tháng 9/2014, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổ chức hội nghị về công tác cán bộ nhằm đánh giá 3 năm thực hiện Nghị định 115/2010, trong đó sẽ xem xét đến đề xuất của UBND TP.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng, nhiều bất cập xảy ra tại các trường ĐH tại TP.HCM và một số địa phương trên cả nước thời gian qua đã được dư luận mổ xẻ, chỉ ra những "khối u” của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, theo ông Ninh, vấn đề sâu xa là đã đến lúc Việt Nam cần kiểm lại quan niệm về vận hành nguyên lý giáo dục. "Lâu nay, người ta đang ra sức kêu gọi phải thị trường hóa, xã hội hóa giáo dục. Thực tế, nếu thị trường hóa một cách cào bằng cả đối với giáo dục thì rất khó để bắt kịp với trình độ giáo dục của thế giới”, ông Ninh nhấn mạnh, đồng thời cho rằng: Nhà nước, nếu muốn giải quyết các bất cập trong giáo dục ĐH hiện nay một cách căn cơ thì phải thành lập Hội đồng Giáo dục cấp Nhà nước như một cơ quan lập pháp trực thuộc Quốc hội để làm lại Luật Giáo dục và đi đôi với việc thành lập Hội đồng này, còn phải thành lập Hội đồng Thẩm định cấp Nhà nước để xem xét bộ luật Giáo dục do Hội đồng Giáo dục cấp Nhà nước soạn thảo trước khi trình Quốc hội thông qua.
LÊ ANH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét