Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

[Giáo dục ] -Đừng nói về giảng viên như thế

TT - 1. “Chúng tôi là những người gọi nôm na là đồng tiền đi liền khúc ruột. ĐH Hoa Sen của ai? Và nếu nó thất bại thì ai chịu?"

Cổ đông chúng ta là những người bỏ tiền vào đó. Còn anh là giáo viên, hôm nay anh không dạy chỗ này thì mai anh dạy chỗ khác. Người lao động có thể mất việc nếu Hoa Sen không còn tồn tại và phát triển. Nhưng chúng tôi là những người bỏ tiền vào, nếu Hoa Sen sụp đổ chúng tôi mất tiền”.

Ông Tô Ngọc Ngời đã phát biểu như thế tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 2-8, lúc ấy ông ngồi ghế chủ tọa đoàn tại đại hội và sau đó được bầu vào hội đồng quản trị Trường ĐH Hoa Sen. Lời nói ấy nếu xét về khía cạnh kinh doanh thuần túy thì đúng, thế nhưng...

Một PGS.TS, phó hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TP.HCM khi tham gia thỉnh giảng ở một trường ĐH ngoài công lập cho biết ngôi trường mà ông đang thỉnh giảng đã nợ lương ông rất lâu, sáu bảy tháng gì đó. Khi được hỏi ngôi trường ấy có nhiều ý kiến bàn ra tán vào, nợ lương nhiều... ông vẫn dạy làm chi thì ông trả lời: “Đó là chuyên ngành của mình, mình không dạy các em thì ai dạy đây. Trường như thế nào thì mình chịu chứ không bỏ các em được”.

“Anh là giáo viên, hôm nay anh không dạy chỗ này thì mai anh dạy chỗ khác”.

Thưa ông Ngời, câu nói ấy của ông đã làm “đau” rất nhiều nhà giáo khác, ông biết không? Tiền rất cần để đầu tư xây dựng phát triển một ngôi trường. Thế nhưng, nếu chỉ có tiền mà thiếu đội ngũ, thiếu những người tâm huyết, người học từ chối thì dù cơ ngơi có lộng lẫy cũng chỉ là một thùng rỗng kêu to. Người học phải được thụ hưởng các giá trị tương xứng với học phí họ đã bỏ ra - đó là điều tối thiểu mà trường phải đáp ứng.

Giáo dục không giống như các lĩnh vực kinh doanh khác, nó cũng cần sự nhạy bén, nắm bắt thị trường nhưng người sử dụng dịch vụ lại rất khác. Giá trị trường cung cấp cho sinh viên kéo dài, ngay cả khi họ ra trường đi làm chứ không phải chỉ khi học tại trường.

Thời gian qua, hội đồng quản trị và ban giám hiệu Trường ĐH Hoa Sen có sai sót trong quản lý, điều hành nhưng có một điều ai cũng có thể thấy đó là cơ sở vật chất của trường được xây dựng khang trang, chất lượng đào tạo được xã hội thừa nhận.

Nếu tiếp tục chính sách đúng đắn, ĐH Hoa Sen sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa. Bằng không, công sức gầy dựng suốt 20 năm qua của bao lớp cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên nhà trường có thể sẽ đổ sông đổ biển.

Một trường ĐH tốt bao gồm cả nhiều yếu tố như chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, dịch vụ cung cấp cho người học, doanh nghiệp và người sử dụng lao động đánh giá tốt và đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.

Trong những điều đó thì nền tảng cơ bản nhất của một trường ĐH vẫn là đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của trường. Giảng viên đi dạy, ngoài tiền còn vì tâm huyết và sự yêu thương sinh viên của mình, trân quý và gắn bó với ngôi trường mình làm việc. Qua đó, họ góp phần xây dựng nên thương hiệu của một trường ĐH, chứ không chỉ mang lại giá trị vật chất cho ngôi trường như ngày hôm nay...

2. GS Nguyễn Đăng Hưng - người nhận mình là cổ đông vô tư của trường - nêu đích danh nguyên nhân dẫn đến đại hội rằng: “Tôi cho rằng đại hội bất thường này chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính, kêu gọi quyền lợi cho cổ đông. Thời gian qua trường thật sự thành công, doanh thu ngày càng cao. Nếu không có tích lũy như thế thì chắc sẽ không có đại hội bất thường ngày hôm nay”.

Và cũng không phải vô lý khi GS Hưng cho rằng phải ý thức được sự thành công của trường: “Một trường đào tạo có chất lượng, được xã hội thừa nhận. Phải nghĩ là ĐH Hoa Sen tiếp tục phát triển. Ta có cơ sở tốt, đội ngũ thâm niên và tâm huyết, vì vậy hãy nghĩ đến tương lai của trường, phải có sự thỏa hiệp để trường tiếp tục phát triển. Tôi lo ĐH Hoa Sen sẽ thành ĐH Hùng Vương thứ hai và đó là điều rất đáng tiếc”.

Đây cũng là nỗi lo lắng chung của nhiều cán bộ, giảng viên và nhân viên của trường trong những ngày “sóng gió” này. Một cán bộ nhiều năm gắn bó với trường ray rứt: “Tôi vẫn nhớ cái ngày 16-12-2006 - ngày công bố quyết định thành lập Trường ĐH Hoa Sen - mọi người tay bắt mặt mừng, hân hoan chào đón một tương lai mới phía trước đầy hứa hẹn. Vậy mà tám năm sau có những người đã từng bắt tay, khoác vai nhau ngày ấy nay lại đứng ở hai bên chiến tuyến. Giờ thì mỗi người đã chia ra mỗi góc để bàn bạc. Cái bắt tay nồng ấm tám năm trước đã biến mất, các đồng nghiệp xưa kia từng đồng cam cộng khổ giờ đã gần như không nhìn mặt nhau”.

Liệu có giữ được thương hiệu Hoa Sen hay không? Đó không chỉ là nỗi ray rứt vì nội bộ chia rẽ, không đoàn kết một lòng như trước mà còn là nỗi đau trước viễn cảnh ngôi trường họ từng gắn bó và hết lòng vì nó...

MINH GIẢNG


0 nhận xét:

Đăng nhận xét